Tại Việt Nam có rất nhiều công trình, di tích lịch sử nổi tiếng, đã có hàng trăm năm tuổi nhưng vẫn được lưu giữ, bảo tồn tới ngày nay, một trong số đó phải kể tới nhà thờ Phát Diệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về lịch sử và kiến trúc của công trình này. Nếu bạn cũng vậy thì có thể tham khảo bài viết sau!

Mục lục
Giới thiệu sơ lược về nhà thờ Phát Diệm
Nhà thờ phát Diệm hay tên gọi đầy đủ là nhà thờ chính tòa Phát Diệm là một quần thể nhà thờ Công giáo được làm từ đá. Tổng diện tích của quần thể này lên tới 2hha. Hiện nhà thờ đang tọa lạc tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại thì nhà thờ được bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1875 và tới năm 1899 mới hoàn thành. Nhà thờ lớn được đặt tại trung tâm của công trình và hiện là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Phát Diệm miền Bắc Việt nam. Công trình này được hoàn thành vào năm 1891.
Ngoài tuổi đời hàng trăm năm thì nhà thờ Phát Diệm nổi tiếng còn nhờ vào sự độc đáo trong thiết kế và vật liệu xây dựng. Toàn bộ quần thể nhà thờ đều được xây dựng bằng đá và gỗ theo kiến trúc cổ Việt Nam với các đình, đền, chùa, cung điện truyền thống vô cùng đồ sộ, hoành tráng.

Người khi ấy đã đứng ra xây dựng quần thể nhà thờ này là linh mục Phêrô Trần Lục, linh mục Địa phận Tây Đàng Ngoài cùng với một nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương.
Mặc dù khi xây dựng nhà thờ là giữa thế kỷ 19, trình độ kỹ thuật còn hạn chế, giao thông bất tiện. Thế nhưng, công trình vẫn rất chỉn chu, tráng lệ và trụ vững sau hàng hơn trăm năm.
Hiện công trình này đã hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đồng thời, nhà thờ Phát Diệm cũng được báo chí trong và ngoài nước đánh giá cao, bình chọn là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.
Kiến trúc của nhà thờ Phát Diệm
Tổng quan kiến trúc
Công trình quần thể nhà thờ đá Phát Diệm gồm có các phần:
- 1 nhà thờ lớn
- 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có 1 nhà thờ xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên nên gọi là nhà thờ đá)
- 1 phương đình (tháp chuông)
- 3 hang đá nhân tạo
- Ao hồ
Nếu tới thăm công trình này và đi vào từ hướng Nam bạn sẽ lần lượt bắt gặp ao hồ, phương đình, nhà thờ lớn, 4 nhà thờ bên, 3 hang đá và nhà thờ đá.

Có thể coi nhà thờ Phát Diệm là đình chùa bởi ngay từ khi xây dựng linh mục Phêrô Trần Lục đã mong rằng có thể thông qua công trình để phản ánh được sự hòa hợp cũng như hội nhập giữa đạo Công giáo cùng với các tôn giáo khác tại Việt Nam và văn hóa kiến trúc của dân tộc.
Khám phá chi tiết kiến trúc
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về quần thể nhà thờ Phát Diệm chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn kiến trúc từng phần của công trình này. Cụ thể:

- Ao hồ: Là một hồ nước lớn có tổng diện tích khoảng 4ha, hình chữ nhật, nằm ngay tại con đường từ thị trấn dẫn tới nhà thờ. Ao hồ có kè đá xung quanh và ở giữa nổi lên một hòn đảo với bức tượng chúa Giê-su lớn rất hút mắt
- Phương đình: Đây là công trình có chiều dài 24m, rộng 17m và cao lên tới 25m, được chính thức hoàn thành vào năm 1899. Công trình gồm có 3 tầng và được tạo nên từ các khối đá phiến. Trong đó, tầng lớn nhất là tầng dưới cùng bằng đá xanh. Điểm độc đáo của công trình này đó là ở 4 đỉnh tháp xuất hiện pho tượng của 4 vị Thánh Sử với những đường nét, tư thế khiến chúng ta dễ dàng liên tưởng tới các đền chùa tại Việt Nam. Tại chính giữa phương đình đặt một chiếc sập bằng đá nguyên khối và phía trong là những bức phù điêu đá được chạm khắc chúa Giê-su cùng các vị thánh. Lên tới tầng thứ 2 của phương đình bạn sẽ bắt gặp một chiếc trống lớn. Còn ở tầng 3 lại treo một quả chuông được đúc năm 1890 với đường kính 1.1m, cao 1.4m và năng khẳng gần 2 tấn. Mái của phương đình nhà thờ không cao vút mà cong cong cổ kính giống mái đình, chùa Việt
- Nhà thờ lớn: Năm 1891 nhà thờ lớn chính thức hoàn thành và được đặt tước hiệu là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi. Ngày nay nơi đây trở thành nhà thờ chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm. công trình này có diện tích khá lớn với chiều dài là 74m, rộng 21m, cao 15m với tổng cộng 5 lối vào. Lối nào cũng đều có vòm đá chạm trổ tinh tế. Nhà thờ lớn có 4 mái, 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối với tổng cộng 48 cột, trong đó 2 hàng cột ở giữa có chu vi 2.35m, cao 11m và nặng chừng 10 tấn. Ở gian thượng được đặt một bàn thờ lớn làm từ đá nguyên phối dài 3m, rộng 0.9m, cao 0.8m và nặng 20 tấn. Cả mặt trước lẫn mặt bên của bàn thờ đều được dày công chạm trổ các loại hoa biểu tượng cho 4 mùa xuân – hạ – thu – đông rất tinh tế. Ngoài ra, tại 2 bên nhà thờ còn có 4 nhà thờ nhỏ là các nhà nguyện đứng độc lập, gồm:
- Hướng Đông Bắc: Nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu (1889)
- Hướng Đông Nam: Nhà thờ Thánh Rôcô (1895)
- Hướng Tây Nam: Nhà thờ Thánh Giuse (1896)
- Hướng Tây Bắc: Nhà thờ Thánh Phêrô (1896)
- 3 hang đá nhân tạo: Đều nằm ở phía Bắc của nhà thờ và làm từ các khối đá tự nhiên. Tại mỗi hang đá đều xuất hiện các bức tượng lớn
- Nhà thờ đá: Được phong tước hiệu là Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ và chính thức xây dựng năm 1883, đồng thời cũng là nhà thờ đá đầu tiên xây dựng trong quần thể này. Nhà thờ này được đặt tại hướng Tây Bắc và được làm toàn bộ bằng chất liệu đá. Đi vào trong nhà thờ đá bạn sẽ bắt gặp các bức phù điêu được chạm trổ tinh tế, nhất là các bức phù điêu tứ quý tùng – mai- cúc – trúc
Trên đây là thông tin chi tiết về nhà thờ Phát Diệm. Nếu bạn có điều kiện có thể tới Ninh Bình để thăm công trình kiến trúc lịch sử này.